Xã hội học về loại hình xã hội và thiết chế xã hội Herbert Spencer

Một trong những nguyên lý cơ bản của xã hội học Spencer là nguyên lý tiến hóa xã hội. Nhưng quá trình tiến hóa sẽ đưa xã hội tới đâu? Để trả lời câu hỏi này, Spencer đã sử dụng thuật ngữ tĩnh học xã hội ("social statics") và động học xã hội (social dynamics") của Comte. Comte dùng thuật ngữ này để miêu tả xã hội là gì và vận động ra sao; còn Spencer triển khai các khái niệm đó chủ yếu với ý nghĩa giá trị học, tức là phân tích xem xã hội phải là gì, phải như thế nào. Spencer cho rằng, tĩnh học xã hội nghiên cứu trạng thái cân bằng của một xã hội hoàn hảo, động học xã hội nghiên cứu quá trình tiến tới sự hoàn hảo của xã hội. Spencer tin tưởng rằng, Sự tiến hóa của xã hội tất yếu sẽ đưa xã hội tiến từ xã hội thuần nhất, đơn giản đến xã hội đa dạng phức tạp, từ trạng thái bất ổn định, không hoàn hảo tới trạng thái cân bằng, hoàn hảo.

Phân loại các xã hội

Căn cứ vào các đặc điểm của quá trình điều chỉnh, vận hành và phân phối, tức là quá trình tiến hóa, Spencer chia các xã hội thành hai loại:

  1. Xã hội quân sự (militant): có đặc trưng là cơ chế tổ chức, điều chỉnh mang tính tập trung, độc đoán cao độ để phục vụ các mục tiêu quốc phòng và chiến tranh; Hoạt động của các cơ cấu xã hội (các tổ chức xã hội) và các cá nhân bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ; Chế độ phân phối diễn ra theo chiều dọc và mang tính tập trung cao vì bị nhà nước quản lý, kiểm soát.
  2. Xã hội công nghiệp (industrial): có đặc trưng là cơ chế tổ chức ít tập trung và ít độc đoán để phục vụ các mục tiêu xã hội là sản xuất hàng hóa và dịch vụ; Mức độ kiểm soát của nhà nước đối với các cá nhân và các cơ cấu xã hội (các tổ chức xã hội) thấp. Điều này tạo ra khả năng mở rộng và phát huy tính năng động của các bộ phận cấu thành nên xã hội; Chế độ phân phối diễn ra hai chiều, chiều ngang giữa các tổ chức xã hội với nhau và giữa các cá nhân với nhau, chiều dọc giữa các tổ chức và cá nhân.

Cách phân loại xã hội quân sự - công nghiệp chủ yếu liên quan tới các quá trình tiến hóa tuần hoàn. Ví dụ, tổ chức của xã hội có thể chuyển đổi từ tập trung, độc đoán (kiểu quân sự) sang phi tập trung, dân chủ (kiểu công nghiệp) rồi lại trở về tập trung, độc đoán (kiểu quân sự) rồi lại sang kiểu công nghiệp, cứ thế lòng vòng.

Spencer còn đưa ra cách phân loại khác, rất quan trọng về sự tiến hóa của các loại hình xã hội. Đó là cách phân loại vừa chỉ ra các giai đoạn tiến hóa xã hội vừa nêu ra các đặc điểm cơ cấu và dân số của mỗi loại xã hội. Theo cách phân loại này, xã hội tiến hóa từ xã hội đơn giản đến xã hội hỗn hợp bậc một, đến xã hội hỗn hợp bậc hai, xã hội hỗn hợp bậc ba. Tương ứng với mỗi loại xã hội là tập hợp các đặc trưng của hệ thống điều chỉnh, hệ thống vận hành (gồm các cơ cấu kinh tế, tôn giáo, gia đình, văn hóa, phong tục, luật pháp, cộng đồng) và hệ thống phân phối. Ví dụ, cơ cấu kinh tế xã hội đơn giản là săn bắn, hái lượm, ở xã hội hỗn hợp bậc một là nông nghiệp, ở xã hội hỗn hợp bậc hai cũng là nông nghiệp nhưng có sự phân công lao động phức tạp hơn trước, và ở xã hội hỗn hợp bậc ba là công nghiệp. Xã hội hỗn hợp thường có quy mô dân số lớn, mức độ phân hóa, chuyên môn hóa cao hơn hẳn so với xã hội đơn giản. Như vậy, các xã hội hiện đại thuộc loại xã hội hỗn hợp bậc ba theo cách phân loại của Spencer.

Xã hội học về thiết chế xã hội

Thiết chế xã hội là khuôn mẫu, kiểu tổ chức xã hội đảm bảo đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu chức năng cơ bản của hệ thống xã hội, đồng thời kiểm soát các hoạt động của các cá nhân và các nhóm trong xã hội. Theo nguyên lý tiến hóa xã hội, cụ thể là "chọn lọc xã hội", Spencer cho rằng thiết chế xã hội nào giúp xã hội thích nghi, tồn tại và phát triển được thì thiết chế đó được duy trì và củng cố. Trong số các thiết chế xã hội, Spencer đặc biệt chú ý tới thiết chế gia đình và dòng họ, thiết chế nghi lễ, thiết chế chính trị, thiết chế tôn giáo và thiết chế kinh tế.

Thiết chế gia đình và dòng họ xuất hiện để thỏa mãn nhu cầu cơ bản của mọi loài: nhu cầu tái sản xuất, tức là duy trì nòi giống. Ngoài ra xã hội nào cũng cần phải có thiết chế gia đình để kiểm soát hoạt động sinh đẻ - tình dục, quan hệ phụ nữ và nam giới, và nuôi dạy con cái.

Thiết chế nghi lễ cần thiết để đáp ứng nhu cầu liên kết và kiểm soát các quan hệ xã hội của con người thông qua các thủ tục, biểu tượng, ký hiệu, nghi thức... Không có nghi lễ thì khó duy trì được những cơ cấu, những tổ chức quy mô lớn. Mức độ tập trung quyền lực trong xã hội càng cao thì mức độ bất bình đẳng về nghi lễ càng lớn.

Thiết chế chính trị xuất hiện chủ yếu để giải quyết các xung đột bên trong và bên ngoài xã hội. Sự tập trung quyền lực càng lớn thì càng bộc lộ rõ sự phân chia cơ cấu giai cấp.

Thiết chế tôn giáo có yếu tố cơ bản là niềm tin vào lực lượng siêu tự nhiên, siêu nhân. Biểu hiện của thiết chế tôn giáo là việc tập hợp các cá nhân cùng chia sẻ niềm tin và cùng nhau tham gia các hoạt động nghi lễ đặc thù của tôn giáo. Thiết chế tôn giáo có chức năng củng cố hệ thống chuẩn mực giá trị, niềm tin, tinh thần... để duy trì trật tự xã hội.

Thiết chế kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu thích nghi của tổ chức xã hội đối với môi trường và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người về các sản phẩm và dịch vụ. Sự tiến hóa của các thiết chế kinh tế thể hiện ở việc nâng cao trình độ công nghệ và tri thức, ở mở rộng sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ, ở mức độ tích lũy tư bản và tư liệu sản xuất, và ở những thay đổi về tổ chức lao động. Như vậy cả xã hội nói chung và các thiết chế xã hội nói riêng đều tuân theo quy luật tiến hóa.

Đóng góp của Spencer1 Thứ nhất: các khái niệm và đặc biệt là nguyên lý xã hội học của Spencer có ý nghĩa rất quan trọng đối với khoa học xã hội học. Chẳng hạn, những phân tích về tác nhân của xã hội và các nguyên lý tiến hóa xã hội, nguyên lý về cơ cấu xã hội đóng vai trò là nền tảng hình thành nên xu hướng chức năng luận trong xã hội học sau này. Phát triển tư tưởng của Spencer, Durkheim, đại diện tiêu biểu cho trường phái chức năng, đã tập trung nghiên cứu các bộ phận, các yếu tố khác nhau của tổ chức xã hội trong việc đáp ứng các nhu cầu tồn tại của cả hệ thống xã hội.2. Thứ hai: mặc dù xã hội học của Spencer không tinh vi theo chuẩn mực của thế kỷ XX, nhưng đã để lại nhiều ý tưởng quan trọng được tiếp tục phát triển trong các trường phái, lý thuyết xã hội học hiện đại. Cách tiếp cận cơ cấu của Spencer đã được các nhà xã hội học Durkheim, Parsons, Merton và những người khác kế thừa và phát triển thành trường phái cơ cấu - chức năng luận khá nổi tiếng trong xã hội học.3.Thứ ba: cách phân tích của Spencer về mối liên hệ giữa các đặc điểm dân số học như quy mô và mật độ dân số đã mở đầu cho trường phái sinh thái học người (human ecology) và "trường phái Chicago" (Chicago School) phát triển ở thế kỷ XX. Các trường phái này quan tâm đến phân tích ảnh hưởng giữa các quá trình dân số như tăng dân số, phân bố dân cư và các quá trình xã hội như phân hóa, cạnh tranh và lối sống thành thị. Bóng dáng của xã hội học Spencer còn in đậm nét trong cách tiếp cận hệ thống, lý thuyết tổ chức xã hội, lý thuyết phân tầng xã hội và các nghiên cứu xã hội học về chính trị, tôn giáo và thiết chế xã hội.